Cam Văn Chấn Yên Bái

Cam Văn Chấn Yên Bái

Bắt đầu vào đầu đông, trong các vườn, triền đồi từ Cát Thịnh, thị trấn Trần Phú đến Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn (Yên Bái) vàng rực một màu cam chín. Do địa hình đồi núi nên cây cam cũng được trồng theo tầng như trồng rừng: trên cao nhất của sườn đồi là trồng cam chanh; xuống dưới là cam sành và dưới thấp nhất là cam sen hoặc quýt.
 
Huyện Văn Chấn hiện có gần 1.000 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú. Với năng suất trung bình 11,5 – 12 tấn/ha, mỗi năm, thị trấn Nông trường Trần Phú xuất bán ra thị trường trên 1.800 tấn quả, hàng năm sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 11.000 tấn. Nhờ đó, nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả.
 
Giá trị cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định nên cam được coi là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
 
Nhiều người biết đến Văn Chấn không chỉ với những cây chè cổ thụ Suối Giàng, những bãi tắm nước nóng tuyệt đẹp… mà Văn Chấn còn nổi tiếng với những vườn cam rộng lớn ở thị trấn Nông trường Trần Phú. Cây cam đã và đang góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Chính từ loại cây này, thị trấn Nông trường Trần Phú đã có những “triệu phú cam”…
 
Cam Văn Chấn có vỏ ngoài mỏng và đẹp, để được lâu; bên trong quả cam có tỷ lệ sơ thấp, nhiều nước, ít hạt, mùi thơm ngọt. Cam Văn Chấn từ lâu đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu đối với người tiêu dùng Yên Bái. Tuy nhiên, thực tế cam Văn Chấn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến và chất lượng chưa thể so sánh với các loại cam nổi tiếng như: cam Hà Giang hay cam Vinh.
 
Thực hiện chủ trương đưa cam, quýt trở thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, những năm qua, huyện Văn Chấn đã tạo điều kiện, hỗ trợ nhân dân trồng thử nghiệm và mở rộng nhiều diện tích cam chất lượng cao, như cam Đường Canh, cam Valencia, cam Caracara với diện tích hiện nay đã trồng trên 140 ha.
 
Qua thực tế cho thấy, các giống cam này đều thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng khí hậu của các xã vùng ngoài, cho chất lượng quả và giá trị thu hoạch vượt trội so với các giống cam địa phương.
Với giá bán trung bình thường gấp đôi, bấp ba sản phẩm cam địa phương, các giống cam này đang là lựa chọn số 1 để nhân dân trồng mới và cải tạo.
 
Một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển vùng cam chất lượng ở Văn Chấn là đầu ra cho sản phẩm. Những năm qua, việc tiêu thụ sản phẩm cam, quýt phụ thuộc chủ yếu vào tư thương nên giá bán thất thường, sản phẩm cam Văn Chấn ít người biết đến. Việc xây dựng vùng cam chất lượng là điều kiện quan trọng để nâng cao giá trị mỗi vườn cam tạo hướng phát triển bền vững.
 
Huyện Văn Chấn đã có chủ trương đa dạng hóa các giống cam, xây dựng vùng cam có chất lượng cao từ 300 – 400 ha, trong đó có các bộ giống chín sớm, chín chính vụ và giống chín muộn, để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Huyện đã và đang tiếp tục liên kết với các viện khoa học, các đơn vị doanh nghiệp, xây dựng vườn giống tại địa phương, nghiên cứu cách phòng chống sâu, bệnh, đồng thời từng bước tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Văn Chấn.
 
Trong khi nhiều địa phương người dân đang loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp để thay thế các diện tích cây ăn quả đã già cỗi, thoái hóa thì ở Văn Chấn, các ngành chức năng cùng nhân dân địa phương đã bước đầu thành công trong việc xây dựng và phát triển được vùng cam có năng suất, chất lượng.
 
Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cùng việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp sẽ tạo điều kiện để nhân dân Văn Chấn xây dựng vùng cam có “thương hiệu” đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Một số hình ảnh đẹp
Cam Văn Chấn Yên Bái
Cam Văn Chấn Yên Bái
Cam Văn Chấn Yên Bái

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Notice: Undefined index: url in /home/amthucquan.com/public_html/wp-content/themes/recipe-press/partials/footer/call-to-action.php on line 17
x

Lost Password