Bánh căn Bình Thuận

Bánh căn Bình Thuận

Nhắc đến Bình Thuận, ngoài những bãi biển đẹp và thắng cảnh nổi tiếng, khách du lịch còn nhớ đến hương vị đậm đà của món ăn rất đặc trưng của người dân nơi đây: bánh căn. Lúc đầu, bánh có tên là “bánh căng”, do khi chín bánh căng phồng, giòn đều ở mặt dưới, xốp mịn ở mặt trên. Về sau, do ngữ điệu của địa phương khiến tên bánh có chút thay đổi và được dùng “chết” với cái tên “bánh căn”.
 
Bánh căn có thể được xem là một trong những món bánh đặc trưng của cư dân vùng biển Bình Thuận. Những nguyên liệu chính tạo nên món bánh đều rất đơn giản, có sẵn trong gian bếp của gia đình như: gạo, đường, nước mắm, trứng, cá kho, …
 
Nhiều người lầm tưởng bánh căn là bánh khọt – món đặc sản ở các tỉnh miền Nam vì trông bề ngoài chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, mỗi loại đều có cách chế biến riêng và cách thưởng thức khác nhau, tạo nên những hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
 
Giống bánh khọt, bánh căn cũng được chế biến từ bột gạo. Tuy nhiên, khi chế biến món bánh khọt, người ta thường thêm bột nghệ để bánh có màu vàng đẹp mắt và khi đổ vào khuôn thì tráng một lớp dầu, bởi vậy nhiều khi bụng chưa no nhưng người ăn đã thấy ngán. Còn với bánh căn, bột được đổ trong khuôn như bánh khọt nhưng không tráng mỡ vào khuôn. Do đó bạn sẽ có cảm giác ăn hoài không bị ngán. Khi bánh chín được cạy ra, úp hai mặt vào nhau, ở giữa có 01 lớp mỏng hành lá thái nhỏ để bánh dậy mùi thơm. Bánh căn không tính bằng “cái” mà tính bằng “cặp”, một người có thể ăn từ 6 – 10 cặp mà vẫn thèm.
 
Ðể đổ bánh căn, người ta dùng một lò đất nung tròn to. Bên trên là khuôn bánh được khoét lỗ tròn đều, trên đó đặt 8 – 16 chén đất (dùng làm khuôn đổ bột) tùy vào lượng người ăn; phần thân lò để chứa than hồng. Phần thân và khuôn được ngăn cách bằng những mẩu gạch nhỏ để thông gió. Sau khi than đã hừng, đợi lò thật nóng mới cho khuôn lên lò. Thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ rồi đậy khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử lò và tráng khuôn. Người ta dùng chiếc cạy bằng kim loại để đưa bánh ra khỏi khuôn. Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô lại, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín và có thể ăn được. Muốn ngon hơn, bạn có thể yêu cầu chủ quán đập thêm quả trứng đổ chung với bột, bánh sẽ có màu vàng rất đẹp. Ăn ngay khi bánh còn nóng hổi, như thế mới ngon.
 
Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước khoảng từ 6 – 8 tiếng rồi đem xay thành bột loãng. Để bánh có độ xốp và tơi, trước khi đem xay cho vào chút ít cơm nguội. Khi pha bột cũng cần chú ý lượng nước vừa đủ để bánh đạt được độ giòn như ý, tránh bột quá đặc hoặc quá loãng. Người đổ bánh cũng cần có kinh nghiệm làm sao bánh khi ra khỏi khuôn phải vừa giòn, vừa xốp lại vừa dẻo, vỏ bánh phải có màu trắng vàng nhưng không bị cháy khét, có như thế món bánh mới đạt yêu cầu.
 
Tuy nhiên, món bánh này ngon nhiều hay ít còn phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm. Nước chấm dùng cho bánh căn rất đa dạng, phục vụ được mọi đối tượng. Tùy vào sở thích và khẩu vị cá nhân mà bạn có thể chọn cho mình loại nước chấm thích hợp. Có 3 loại nước chấm thường dùng, đó là: nước cá kho, mắm nêm và nước mắm chanh tỏi ớt. Cá kho được dùng thường là cá nục hoặc cá ngừ, kho thật nhiều nước, nêm vừa ăn đủ làm nước dùng. Mắm nêm là món mắm khoái khẩu rất đặc trưng của người miền Trung. Mắm chanh tỏi ớt được chế biến từ nước mắm pha loãng, có tỏi, ớt, chanh… thêm cà chua để màu trông đẹp tự nhiên, nấu với đường để có một món nước chấm đậm đà.
 
Món ăn lôi cuốn người ăn không chỉ bởi nước chấm mà còn phụ thuộc vào các món ăn đi kèm theo nó, tuy là món phụ nhưng lại góp phần làm phong phú thêm hương vị của món ăn và cho bạn thêm nhiều sự lựa chọn. Những món ăn đi kèm thường là: trứng vịt, trứng gà, trứng cút luộc, da heo trần qua nước sôi ăn sần sật, xíu mại, cá kho…
 
Nếu như bánh khọt ăn đúng điệu phải cuốn với xà lách hoặc rau cải, ăn kèm với các loại rau sống như húng, quế, tía tô thì bánh căn lại lấy cái vị chua chua của xoài băm nhỏ, của khế cắt lát, của me dầm làm điểm nhấn. Đừng xem thường chúng nhé, thiếu chúng thì hương vị của món ăn sẽ trở nên nhạt đi rất nhiều đấy. Một điểm khác nữa là chế biến bánh căn không dùng nhiều đến dầu mỡ. Tóp mỡ được làm từ bánh mì thái hạt lựu chiên giòn, vừa cắn đã tan ngay trong miệng, tránh được cái béo ngậy của mỡ động vật.
 
Vài chiếc bàn nhỏ cùng đôi mươi chiếc ghế con đặt bên hè cũng đủ làm nên Ẩm quán. Cái thú của người ăn hàng rong là ở chỗ này, đến quán là giành ngay lấy 1 chiếc ghế và … ngồi đợi. Cái hấp dẫn của món bánh này nằm ngay trong sự chờ đợi và giá trị sẽ được nâng lên chính từ sự nhẫn nại. Đặc biệt vào lúc trời mưa mà được nhâm nhi vài cặp bánh căn nóng hổi cùng với nước mắm, với chút xoài xắt sợi thì quả là ngon tuyệt.
 
Nếu có dịp đến Bình Thuận hãy tìm và trải nghiệm thử với món này xem, bảo đảm bạn sẽ khó mà quên được cảm giác nóng giòn trong miệng, vị thơm nồng của nước mắm, chua chua của khế bằm hoặc xoài sống, là lạ với món nước chấm.
Một số hình ảnh đẹp
Bánh căn Bình Thuận

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Notice: Undefined index: url in /home/amthucquan.com/public_html/wp-content/themes/recipe-press/partials/footer/call-to-action.php on line 17
x

Lost Password