Thực phẩm hữu cơ organic là gì?
Thực phẩm hữu cơ – thực phẩm organic xuất hiện trong thời gian gần đây như là cứu cánh của nhiều bà nội trợ Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm hữu cơ sẽ mang lại một sự đảm bảo cho sức khỏe tốt hơn, nhưng hiểu như thế nào là đúng? Hãy cùng chúng tôi giải đáp câu hỏi này với bài viết dưới đây.
Thực phẩm hữu cơ có phải là sản phẩm an toàn cho sức khỏe – nguồn internet
Xem thêm:
- Lợi ích thực phẩm hữu cơ – giá trị mang lại còn hơn sức khỏe
- Đắt – rẻ : Câu chuyện giá thực phẩm hữu cơ
- Nông nghiệp hữu cơ và thực trạng chứng nhận tại Việt Nam
Thực phẩm hữu cơ hiểu theo định nghĩa khoa học
Thực phẩm hữu cơ – thực phẩm organic sản xuất bởi hệ thống được thực hiện theo những tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Những tiêu chuẩn này có sự thay đổi khác nhau để phù hợp với từng quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên đặc điểm chung của nông nghiệp hữu cơ là thực hành dựa trên sự cố gắng nuôi dưỡng các nguồn tài nguyên, thúc đẩy sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên. Theo các tổ chức quy định, trong canh tác thực phẩm hữu cơ cấm hoàn toàn sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Thêm vào đó, thực phẩm hữu cơ cũng không được phép xử lý bằng chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các loại chất phụ gia tổng hợp.
Thực phẩm hữu cơ – thực phẩm organic có thể hiểu một cách cơ bản và ngắn gọn như sau:
• Không chất độc hại, không thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay chất diệt nấm
• Không sử dụng nước bẩn, nước bùn cống hay phân bón hóa học
• Không sử dụng giống biến đổi Gen (GMOs)
• Không thuốc kháng sinh
• Không chất kích thích và thuốc tăng trưởng
• Không xử lý bằng chiếu, bức xạ nhiệt
Nói một cách khác, thực phẩm hữu cơ hướng đến cách những sản phẩm nông nghiệp được trồng và phát triển. Cây trồng hữu cơ phải được trồng mà không sử dụng hóa chất tổng hợp, biến đổi Gen (GMO), phân bón hóa học hay nước thải, bùn cống...Còn đối với chăn nuôi hữu cơ để lấy thịt, trứng, sữa..thì động vật phải được đảm bảo chăn thả ngoài trời và ăn bằng thức ăn hữu cơ, không được sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng..
Sự khác nhau đối với từng loại thực phẩm hữu cơ
Để có thể phân biệt sự khác nhau của quá trình canh tác hữu cơ chi tiết với từng loại sản phẩm nông nghiệp, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sau đây:
Cây trồng theo quy định hữu cơ
Cây trồng để đạt được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ, người nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện sau:
Đất:
• Phải được trồng trên đất không sử dụng các hóa chất tổng hợp (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học…)
• Đất đai phải được xử lý, cải tạo mà không sử dụng các vật liệu cấm trong ít nhất 3 năm trước khi canh tác.
• Phải có ranh giới xác định và các vùng đệm ngăn ngừa cây trồng tiếp xúc với các chất bị cấm từ vùng đất liền kề
• Cải thiện điệu kiện của đất, giảm thiểu sự xói mòn và tăng dinh dưỡng cho đất bằng cách luân canh cây trồng, sử dụng các lọai phân hữu cơ được hướng dẫn theo quy định (xem cách ủ phân hữu cơ tại đây)
Hạt giống:
Sử dụng hạt giống và gốc cây trồng hữu cơ (không được sử dụng hạt giống được ngâm với những chất cấm tổng hợp như thuốc diệt nấm..)
Vấn đề dịch hại, sâu bệnh
Cây trồng phải được kiểm soát bằng phương cơ học và vật lý bao gồm:
- Sử dụng thiên địch như chim, côn trùng, các loại cây hoa có mùi để tiêu diệt, xui đuổicác con vật gây hại
- Các loại chế phẩm sinh học từ tỏi, rượu, gừng..
- Sử dụng mỗi, bẫy hoặc người nông dân phải tự bắt bằng tay.
Vấn đề cỏ dại phải được kiểm soát bằng:
- Phủ rơm
- Làm cỏ bằng tay
- Sử dụng nhiệt, các loại gas tự nhiên hoặc điện
- Kết hợp chăn thả gia súc để ăn cỏ
Đối với cây trồng, những người nông dân hiểu rằng những gì họ đưa vào đất có tác động trực tiếp, sâu sắc đến những gì họ sẽ nhận lại từ nó. Đó là lý do tại sao họ thực hành sản xuất dựa trên thực tiễn như làm cỏ bằng tay, trồng cây che phủ, luân canh, bón phân hữu cơ..chứ không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ độc hại. Họ nhận ra rằng làm như vậy sẽ cung cấp những dưỡng chất cần thiết để phát triển, tăng độ màu mỡ và phì nhiêu cho đất. Điều này sẽ giúp cho cây trồng được phát triển một cách tốt nhất, hấp thụ hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn và mang lại giá trị tốt hơn.
Đối với chăn nuôi hữu cơ
Theo hướng hữu cơ động vật được chăn thả tự nhiên – nguồn internet
Động vật, gia cầm được chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ, người chăn nuôi cần tuân thủ những điểu kiện sau:
- Thức ăn cho động vật phải là 100% hữu cơ, không sử dụng các chất phụ gia tổng hợp.
- Đối với bò sữa, cần được chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ một năm trước khi lấy sữa.
- Trong điều kiện thời tiết phù hợp, động vật phải được chăn thả tự do trên đồng cỏ ít nhất là 120 ngày mỗi năm và hạn chế tối đa tiếp xúc với hóa chất như thuốc trừ sâu.
- Động vật phải được nuôi mà không sử dụng các loại thuốc kháng sinh và hormone tăng trưởng tổng hợp.
- Được phép phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe động vật bằng cách sử dụng vaccine theo quy định cho phép.
- Phân động vật phải được quản lý để ngăn chặn ô nhiễm đối với các loại cây trồng, đất, nước và để tối ưu hóa việc tái chế lại.
Đối với động vật được chăn nuôi hữu cơ, sự an toàn của động vật luôn được người chăn nuôi ưu tiên hàng đầu. Động vật được sống hòa hợp với thiên nhiên, có sự chăm sóc tốt hơn và phát triển tự nhiên hơn.
Hiểu nhãn hiệu thực phẩm hữu cơ sao cho đúng
Là một người tiêu dùng thông minh, bạn cần phải hiểu rõ chất lượng những sản phẩm mà mình đã lựa chọn. Các thực phẩm hữu cơ organic để có thể sử dụng nhãn chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ phải trải qua quy trình kiểm tra, phê duyệt nghiêm ngặt. Đó là lý do bạn cần nắm rõ những nhãn hiệu dán trên thực phẩm hữu cơ, thực phẩm organic để tránh sự nhầm lẫn và có sự lựa chọn thực phẩm thật đúng đắn.
Quy trình để đạt chứng nhận là thực phẩm hữu cơ organic rất nghiêm ngặt – nguồn: internet
Thực phẩm hữu cơ – thực phẩm organic hiện được ghi dựa trên 4 cấp bậc: (theo tiêu chuẩn USDA)
• Nhãn “100% organic”: Điều này có nghĩa đây là thực phẩm hữu cơ hoàn toàn có 100% thành phần hữu cơ.
• Nhãn “Organic”: Ít nhất 95% hoặc nhiều hơn trong thực phẩm có thành phần hữu cơ
• Nhãn “made with organic ingredient”: Chứa ít nhất 70% thành phần hữu cơ và 30% còn lại nằm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt bao gồm không có GMOs (sinh vật biến đổi gen)
• Nhãn “some organic ingredient”: chứa ít hơn 70% thành phần theo quy định hữu cơ
Một số tiêu chuẩn chứng nhận thực phẩm hữu cơ tại từng quốc gia phổ biến:
• Úc: NASAA tiêu chuẩn hữu cơ
• Canada
• Liên minh Châu Âu: EU- Eco
• India: NPOP (National program for Organic Production): chương trình quốc tế cho sản phẩm hữu cơ
• Indonesia: BIOCert, bởi Bộ nông nghiệp của Indonesia
• Japan: Tiêu chuẩn JAS
• Mỹ: tiêu chuẩn hữu cơ theo chương trình quốc tế (NOP) – chứng nhận USDA
Tại sao tôi chọn thực phẩm hữu cơ cho gia đình mình
Khi lựa chọn thực phẩm hữu cơ thì những gì chúng ta giúp đỡ còn nhiều hơn cả sức khỏe bản thân mình. Chúng ta đang góp phần hỗ trợ những người nông dân, nhà sản xuất chân chính, những người làm việc chăm chỉ để đạt được tiêu chuẩn hữu cơ bởi vì họ tin rằng thực phẩm hữu cơ sẽ mang lại sự đảm bảo sức khỏe, chất lượng cuộc sống và sự bền vững sau này. Và tôi cũng tin như vậy.
Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ sẽ lựa chọn thực phẩm hữu cơ cho gia đình mình? Chia sẻ với chúng tôi cảm nghĩ của bạn dưới đây nhé.