Tròn vành bánh tráng

Tròn vành bánh tráng - amthuc.sao.vnKhông là cao lương mỹ vị, nhưng món ăn này đã đi vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt Nam. Ở mỗi vùng, miền, bánh lại có hương vị khác nhau

Củ Chi: 3 giờ sáng. Mùi sương đêm đẫm ướt và sao còn giăng kín bầu trời. Gà hãy còn rúc trong chồng và đàn lợn đang yên giấc. Cũng như bao đêm khác, thím Tám lại bắt đầu một buổi tráng bánh sớm để kịp giao hàng cho thương lái.

 

Thím vừa biểu diễn, vừa huyên thuyên chuyện trò. Dưới ánh sáng vàng vọt hắt ra từ bóng đèn điện tròn nhỏ bé, những công đoạn làm bánh diễn ra đều đặn, không chút sai sót. Thím nhẹ nhàng cho thùng gạo đã ngâm hồi đầu hôm vào máy xay thành bột mịn. Rồi thím tách nước chua, pha trộn bột với nước, ít muối sao cho vừa tráng, phủi sạch bụi trên mấy tấm liếp đan bằng tre đều tăm tắp.

Kế đến là chuẩn bị lò tráng. Không ít lần tôi thức thật sớm, mắt hãy còn cay xè, những vẫn cố mở to để ngồi nhìn thím đốt lò và tráng bánh.

Cái lò là tác phẩm của chú Tám, được đắp bằng đất và chia thành ba phần liên thông. Phần đầu là nơi cho củi, rơm hay trấu vào đốt. Phần giữa là một bệ tròn ôm khít nồi chứa nước, trên phủ vải căng đều để tráng bánh. Phần cuối cùng là một đoạn dài nối với ống khói phì phò. Khi nước đã sôi già, khói bốc lên nghi ngút, thím bắt đầu màn biểu diễn.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn yêu thích tiết mục này. Thỉnh thoảng về quê, tôi lại nhất quyết ngồi xem cho dù lò rất nóng và mồ hôi cứ thế tuôn ra. Và tôi vẫn không hiểu tại sao thím Tám vừa làm luôn tay với tốc độ chóng mặt, vừa có thể huyên thuyên kể cho tôi nghe những câu chuyện thời con gái, chuyện về nghề bánh tráng truyền từ đời này sang đời khác trên mảnh đất Củ Chi. Từng động tác thuần thục và dứt khoát để cho ra đời những cái bánh tròn vành vạnh, mỏng tanh dường như trong suốt.

Bánh xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày

Tay trái thím giở nắp, tay phải đổ một vá bột từ cái gáo gỗ để bằng rồi tráng thật nhanh, thật tròn trước khi đậy lại. Chớp mắt bánh đã chín. Thím dùng một thanh tre dài, mỏng, vít cho một mép bánh dính vào ống nhôm tròn, lăn nhẹ để gỡ bánh khỏi mặt khuôn vải. Thím tiếp tục đổ bột cho một cái khác và đậy nắp trước khi trải chiếc bánh vừa hoàn tất lên tấm liếp tre sao cho thẳng thớm.

Cuối cùng, thím dùng kéo to, cắt vành bánh tròn đều rồi ràng dây lại thành từng chồng, mỗi chồng đúng một trăm cái. Bánh phải mỏng, bột hơi trong, vị mặn nhẹ, tròn đều, không rách hay thủng lỗ, thương lái mới không chê.

Ngày nay, bánh tráng Củ Chi không chỉ xuôi ngược khắp chốn mà nghe đâu còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Thế nhưng nhà nào cũng vậy, bán thì bán, vẫn nhất quyết phải dành một ít để trong nhà.

Bánh tráng xuất hiện trong bữa ăn thường ngày, cuốn với thịt luộc, rau sống, cá kho, mắm… Đặc biệt, mỗi nhà không thể thiếu món bánh tráng cuốn bì, cuốn thịt, chả giò trong dịp lễ đám và khi ăn thịt kho trứng, tai lợn ngâm chua lúc đón xuân.

Mỗi nơi, bánh tráng có cách ăn khác nhau

Sau này có dịp đi nhiều nơi, tôi được biết không chỉ vùng Củ Chi đất thép quê mình mới có bánh tráng. Mỗi nơi một vẻ, bánh tráng có hương vị và cách ăn khác nhau. Phong phú, ngon và lạ lắm.

Hễ ai đã đến Trảng Bàng – Tây Ninh mà chưa từng ăn bánh tráng phơi sương, coi như uổng cả chuyến đi. Sau khi phơi khô, người ta nướng sơ bánh tráng cho phồng rộp mặt, không được có vết cháy xém nào. Sau đó, người ta phơi qua một buổi sương đêm cho bánh mềm dịu lại, dai dai lạ lùng.

Bánh tráng này cuốn với thịt lợn luộc, thái miếng to, cùng rau sống như: tía tô, húng quế, xà lách, hẹ, đọt xoài, đinh lăng… dưa chuột, đồ chua ngọt thì ngon tuyệt.

Tiếp đến, món bánh tráng cuốn muối tôm đã làm say mê đám học sinh, sinh viên và cả mấy bà nội trợ. Món này ăn rất đơn giản, chỉ có bánh tráng, rắc chút muối tôm, hành phi, cuộn lại. Nhiêu đó thôi cũng đủ khiến người ăn, dù nhai đến mỏi quai hàm vẫn không thấy chán.

Hiện tại, món này được nâng cấp thành bánh tráng trộn để phục vụ người dân Sài Gòn. Nếu chưa từng ăn, mời bạn đến ngay khu vực hồ Con Rùa hay trước cổng Nhà Văn hóa Thanh Niên, Q.1. Mỗi người bán theo một cách khác nhau. Người thì cắt nhỏ bánh tráng, trộn với sa tế, muối tôm, ớt xay, rau răm, trứng cút luộc và nước cốt quất (tắc). Người thì trộn khô bò, ruốc khô, trứng cút chiên, lạc rang, hành phi, mỡ hành, sa tế, rau răm, muối tôm, nước sốt pha chua ngọt…

Xuôi xuống miền Tây, ắt hẳn bạn sẽ nghe câu truyền miệng: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc“. Đây là niềm tự hào của người dân xứ dừa, Bến Tre. Mỹ Lồng nổi tiếng nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa ngọt. Cho bánh lên bếp nướng vàng, nhai giòn rụm, vị ngọt béo khó quên.

Ngoài ra, còn có loại bánh tráng sữa, dùng ăn sống. Loại bánh này mỏng hơn, mềm mại, thơm nức mùi dừa, hoặc có thêm trứng, lá dứa hay thơm mùi sầu riêng.

Đi thêm chút nữa, đến Ba Tri bạn sẽ gặp chợ Sơn Đốc, nơi nổi tiếng với loại bánh phồng dừa. Làm bánh tráng đã cực, làm bánh phồng còn cực hơn. Phải chọn nếp ngon không lẫn gạo hay tấm, ngâm và nấu nếp cho chín. Tiếp đến, nhóm sáu người xúm vào dùng sức đạp chày, quết liên tục cho bột không bị chai, sau đó cán mỏng đem phơi. Nay có máy quết nên đã giảm được phần nào công sức. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi tiếc hùi hụi tiếng chày quết bánh nhịp nhàng mỗi đêm như thuở thiếu thời. Để khẩu vị thêm phong phú, bánh phồng có nhiều vị như dừa, trứng gà, muối vừng, hành. Khi ăn, nướng bánh vàng trên lửa than, bẻ cái rụp, ăn ngon hết biết.

Đến Hải Phòng, đừng quên ăn bánh đa cua

Còn nhớ thời sinh viên, tôi mê vô cùng món bánh tráng nướng của các chị bán dạo đến từ miền Trung. Quê nghèo, các chị vào Sài Gòn, mang trên vai những chiếc bánh trắng to tròn, rắc kín vừng đen, nướng nở giòn.

Bánh tráng nướng còn góp mặt vào món mì Quảng, món don ngọt lừ hay dùng xúc với hến xào… Hôm nào lạt miệng, bạt hãy nhấm nháp bánh tráng gừng ngọt ngọt, cay cay và thơm nhẹ mùi gừng tươi hoặc bánh tráng mặn với con ruốc đỏ và hành lá. Cầu kỳ hơn một chút là chiếc bánh phồng bẻ làm đôi, kéo sợi mạch nha đều lên mặt, rắc chút dừa nạo, ăn vừa ngọt vừa béo thơm.

Có dịp đến Hải Phòng, bạn phải thưởng thức cho bằng được món bánh đa cua. Sau khi hoàn tất, người ta cắt sợi bánh tráng, bó thành bó nhỏ.

Khi ăn, phải ngâm nước lã cho mềm rồi chần qua nước sôi. Sợi bánh đa có màu nâu sậm, tuy mỏng, mềm nhưng lại có độ dai và giòn, kết hợp với rau muống xanh non, gạch cua đỏ, hành lá, chanh ớt.

Và còn nhiều lắm những món ngon từ bánh tráng. Qua bàn tay khéo léo của mỗi đầu bếp, bánh tráng lại mang đến những vị ngon, lạ khó quên.

Theo vaobep 

 

 

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Notice: Undefined index: url in /home/amthucquan.com/public_html/wp-content/themes/recipe-press/partials/footer/call-to-action.php on line 17
x

Lost Password