Cua Huỳnh đế Bình Thuận

Cua Huỳnh đế Bình Thuận

Có lẽ khi nhắc đến tên của  loại cua vừa lạ vừa sang này, không ít người tỏ ra ngạc nhiên. So với các loại hải sản khác, cua Huỳnh đế khẳng định đẳng cấp về chất lượng mà lâu nay được ví ngang với cá tuyết đen, cá hồi đỏ…Trên vùng biển của chúng ta vốn phong phú tài nguyên hải sản nhưng không phải nơi nào cũng có cua Huỳnh đế, vì chúng chỉ sinh sống ở những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh mới “quyến rũ” được loại cua này đến trú ngụ và sinh trưởng. Cua Huỳnh đế chỉ có ở một số nơi như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan (Bình Định), trong đó chỉ có cua Huỳnh đế của vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) là mang hương vị riêng do ngư trường thích hợp cho loại cua này.
 
Tên gọi Cua Huỳnh đế cũng được lý giải khá thú vị. Theo lời kể của các lão ngư miền Trung, ngày xưa, khi vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi Cua Huỳnh đế còn gọi là hoàng đế, cua vua lưu truyền trong dân gian.
 
Cua Huỳnh đế chỉ rộ nhất vào mùa xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch. Thường thì những tháng mùa xuân, biển trở ngọn gió nồm, rất êm nên khuyến khích loại cua “vua” sinh sản và đi tìm thức ăn. Muốn bắt được loại cua này cũng rất kỳ công mỗi khi ra khơi. Ngư dân miền Trung có thể đánh bắt bằng lưới giã cào, nhưng để có được những chú cua với số lượng nhiều, chắc thịt thì phải dùng một dụng cụ gọi là rập. Rập để bẫy Cua Huỳnh đế có hình dạng như chiếc nón, được gắn mồi tươi ở chính giữa. Mỗi thuyền ra khơi thường trang bị từ 200 – 300 cái rập, khi thả mỗi cái cách nhau chừng 5m. Cua rúc vào đó ăn mồi và sập bẫy trong các rập.
 
Cua huỳnh đế Tuy Phong to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, thoạt nhìn giống con bọ khổng lồ, đầu hơi chúi xuống, có khá nhiều râu vểnh lên, lưng có gai, càng và que ngắn, khi luộc chín mai cua có màu đỏ hồng rất đẹp. Cua Huỳnh đế vùng biển Tuy Phong hầu như có quanh năm nhưng vào độ tháng chạp âm lịch là thời điểm cua ngon nhất. Lúc này, cua cái và đực đều đầy gạch, cua cái có thêm trứng, ăn rất ngon. Người xứ biển ở đây cho biết, phần gạch của Cua Huỳnh đế là chất bổ dưỡng nhất, ăn không độc (nhất là với người bụng yếu) như gạch của cua thường hay ghẹ. Sớ thịt Cua Huỳnh đế Tuy Phong chắc, ngọt, dai và thơm, vỏ cua giòn, mềm, dùng răng cắn bể được.
 
Cua Huỳnh đế có thể chế biến các món như rang me, rang muối, nướng… nhưng ngon nhất và đơn giản trong chế biến vẫn là món hấp ăn với muối tiêu ớt xanh hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo.
 
Cua rang muối được chế biến khá công phu là vì mai cua rất cứng, dày. Cua chặt miếng, càng cua đập dập, ướp mắm muối, gia vị trước khi đưa vào chảo chiên đều với vài loại gia giảm khác. Món này đậm đà hơn hẳn cua hấp song vẫn giữ được hương vị thơm ngon khá đặc trưng của cua. Và tất nhiên, cua rang muối tuyệt hơn nhiều nếu bạn ăn bằng tay. Nếu cua hấp giữ được vị thanh khiết tự nhiên thì cua rang muối lại mang đậm hương vị mặn mòi của biển cả. Thịt Cua Huỳnh đế ngọt, dai, vì thế mà nấu cháo là ngon nhất.
 
Muốn nấu cháo, người ta rửa sạch cua và cho vào một cái bát lớn rồi đem hấp để giữ nguyên chất ngọt. Sau khi hấp, tách mai cua ra, dùng muỗng nạo hết gạch để vào một tô riêng. Phần càng, que được lấy thịt đổ vào tô khác ướp nước mắm ngon, tiêu hành, bột ngọt… Kế tiếp bắc một chảo dầu ăn, phi hành củ cho thơm, đun nhỏ lửa, cho thịt cua vào và đảo đều cho thịt thấm. Khi nồi cháo vừa chín, bỏ thịt cua vào, nêm lại, chờ cháo sôi nhắc xuống cho hành lá, tiêu vào. Cháo Cua Huỳnh đế ngon bởi lớp mỡ hành vàng nhẹ, màu hồng gạch của Cua và những sớ thịt Cua trắng phau.
 
Nồi cháo Cua Huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua. Húp từng muỗng cháo nóng mới ngon làm sao! Mùi thơm đặc trưng xông vào mũi cùng hơi nóng phả vào mặt. Ăn hết tô cháo, mồ hôi vã cả người, những mệt nhọc dường như tan biến.
 
Đến mùa, nhiều quán ăn tại Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công….huyện Tuy Phong đều có bán Cua Huỳnh đế phục vụ thực khách. Dù đánh bắt từ biển khơi, nhưng để đảm bảo chất lượng chắc, thơm ngọt và có gạch hồng thì đòi hỏi ngư dân phải biết cách giữ cua còn sống. Nếu cua chết hoặc bỏ tủ lạnh dài ngày thì thịt bở, lạt như bột hấp sống. Những người bị bệnh gút thường được khuyên là không nên ăn vì Cua Huỳnh đế có độ đạm rất cao. Nếu thích xin mời các bạn hãy về với vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận, để được tắm biển hòa mình cùng thiên nhiên và thưởng thức một con Cua Huỳnh đế nạp thêm “năng lượng” cho cơ thể sau những ngày lao động mệt mỏi.
Một số hình ảnh đẹp
Cua Huỳnh đế Bình Thuận
Cua Huỳnh đế Bình Thuận

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Notice: Undefined index: url in /home/amthucquan.com/public_html/wp-content/themes/recipe-press/partials/footer/call-to-action.php on line 17
x

Lost Password